#8. Nỗi sợ lớn nhất trong đời và định nghĩa của trưởng thành
Bố mẹ cần mình, cũng nhiều như mình cần bố mẹ.
1. Nỗi sợ lớn nhất trong đời
Tua lại từ chuyện hôm nay tới ngày xửa ngày xưa, mình nhìn lại và nhận ra, điều gì làm mình sợ nhất trong đời.
1.1 Chuyện hôm nay
10 giờ sáng Chủ Nhật, ủ mình trong chăn, vừa bật bài “Một thế giới” = Hai gang tay vừa khóc rấm rứt như một đứa trẻ, mình mới nhận ra nỗi sợ lớn nhất cuộc đời mình là gì.
1.2 Chuyện năm trước
Trong ba tháng đầu tiên đi xa nhà, mình chưa từng rơi một giọt nước mắt vì nhớ nhà, vì vất vả hay vì cô đơn. Mình mạnh mẽ hơn mình nghĩ nhiều đến thế.
Nhưng khi nghe tin mẹ mình trải qua một cuộc phẫu thuật ở Việt Nam, mình lần đầu phải rơi nước mắt vì bất lực. Cái cảm thức rằng “hiện giờ mình đang ở một nơi rất xa, cách Việt Nam ít nhất hai chuyến bay, hai ngày di chuyển, nếu bố mẹ có ốm đau bệnh tật gì, thì mình sẽ không thể làm gì được” đánh vào tim mình như chết lặng.
Về sau, mình nhận ra rằng, nỗi đau này không phải của riêng mình. Bất cứ ai đi xa nhà, xa rời gia đình ấm êm, hạnh phúc của mình, đều cũng từng một lần phải trải qua cảm xúc đó.
1.3 Chuyện ngày xưa
Hồi năm 2022, trước khi đi du học, mình quyết định bay vào Sài Gòn thăm bà Kim (em gái của ông ngoại mình). Như mọi lần hội ngộ với người thân, đặc biệt là một người thân đã lớn tuổi, sống nhiều năm xa cách với mình về mặt địa lý, đây là một lần hội ngộ đầy cảm xúc. Nhưng có một câu chuyện xưa bà kể trong cuộc gặp gỡ năm ấy, mà về sau, mỗi lúc nghĩ tới mình đều cảm thấy tim mình nhói đau.
Thời bao cấp khó khăn, các anh em trong nhà ông ngoại mình đều làm nghề giáo, những lúc hết giờ dạy thì lại quay về vườn nhà, cuốc đất trồng rau. Tức là nhìn chung, cả gia đình đều không mấy dư dả về kinh tế. Khoảng những năm 1980, bà Kim (em út của ông) cưới chồng và từ đó theo chồng vào miền Nam, bà xin được việc làm kế toán cho kho bạc ở Sài Gòn và trở thành người có khả năng làm ra kinh tế nhất trong gia đình. Bận rộn lo toan việc làm ăn, chăm sóc gia đình, lại thêm cảnh xa quê hương, xa cha mẹ, không có sự hỗ trợ của anh em, tất cả vất vả của một đời người phụ nữ đổ dồn lên vai bà.
Biết tình hình em gái ở xứ người, các anh em có đôi khi tâm sự cũng chỉ gửi điện nói chuyện vui chứ chẳng bao giờ nói ra những lo lắng ở nhà cho bà. Cũng vì thế, cụ ngoại ốm đau và qua đời mà không có sự hiện diện của con gái. Bà Kim không hay biết đấng sinh thành đã qua đời như thế nào, vào lúc nào, vì anh em trong nhà đều cho rằng, tốt hơn hết là không để cho cuộc sống của bà có thêm một nỗi đau mất cha. Nhiều năm sau, khi có điều kiện về lại quê nhà, bà mới biết tang sự của cụ và từ đó mãi mãi ôm trong lòng nỗi đau không được thấy cha lần cuối.
Khoảng hai thập kỉ sau, sự đời lại lần nữa xoay vần.
Năm 2002, trong khi bác Phú (anh trai của mẹ mình) đi học Tiến sỹ Đông y ở Trung Quốc, ông ngoại mình lâm phải một cơn bệnh nặng. Từ khi ông nhận chuẩn đoán bệnh với tiên liệu xấu cho tới khi cơn bệnh trở nặng và ông không còn nói được nữa, mọi người trong nhà vẫn kiên quyết sẽ không thông báo với bác chuyện bệnh tình, để bác an tâm hoàn thành việc học ở nơi xa. Nhưng bà Kim nhất quyết không đồng ý việc giấu diếm, bà đã thấu nỗi đau mất đi đấng sinh thành mà không thể tiễn người đi một vài bước cuối cùng và quyết không để điều đó lặp lại nơi cháu mình. Khi bà Kim truyền tin ông ốm nặng tới bác mình, bác đã tức tốc chạy từ Bắc Kinh về, nhưng vẫn không kịp tới trước lúc ông trút hơi thở cuối cùng. Bà Kim nói, bà mãi nhớ, lúc ấy bác trách rằng:
Sao không nói với cháu sớm hơn, để cháu được nghe bố dặn dò lần cuối. Cả cuộc đời cháu luôn có bố dẫn đường, bây giờ bố đi rồi cháu biết hỏi ai.
Một người đàn ông hơn ba mươi tuổi, độc lập, giỏi giang, đã có gia đình riêng, có sự nghiệp, có tương lai ngời ngời, cũng sẽ cảm thấy mất phương hướng và đau đớn tột cùng khi mất đi đấng sinh thành, mà không thể cùng người lần cuối. Với bác lúc ấy, có lẽ nỗi đau còn trớ trêu hơn nữa, khi bác theo ngành y, hành nghề để cứu người, nhưng cũng không thể cứu cha khỏi cơn bệnh nặng, bởi khoảng cách địa lý, bởi không người thông tri.
Về sau khi đã thực sự đi xa xứ, mình mới dần nghiệm ra, ẩn sâu sau tất cả những câu chuyện trên đều là nỗi sợ và nỗi đau lớn nhất, sợ mất đi cha mẹ, sợ mất đi nơi ta gọi là nhà, là chốn an yên, là chỗ để trở về. Và việc ở xa cha mẹ làm nỗi sợ ấy càng trở nên sâu sắc hơn bởi mình biết mình không thể ngay lập tức ở bên để chăm nom cha mẹ. Đặc biệt, là một người trẻ, mình luôn sợ rằng, tốc độ trưởng thành của mình không kịp với tốc độ già đi của bố mẹ mình.
Với mình, bố mẹ là gia đình sau cánh cửa, là người đầu tiên mình nghĩ đến khi khổ đau cần chỗ dựa, là những người thương mình vô điều kiện, cả những lúc mình ốm đau, bệnh tật, xấu xí, và khó ưa nhất. Tình thân với mình vì thế mà trở thành một thứ chẳng gì đánh đổi được.
Bây giờ, mỗi lúc nghĩ đến nếu một ngày ở trên đời không còn bố mẹ, mình vẫn sẽ thấy lòng run rẩy. Bởi nếu thế, từ ngày ấy trở đi, mình sẽ trở thành kẻ không nhà, không chốn để về.
Mình cần bố mẹ vô cùng.
2. Định nghĩa của trưởng thành
2.1 Trưởng thành là độc lập, là không cần dựa dẫm vào một ai?
Và trong suốt hành trình lớn lên, mình đã từng nghĩ trưởng thành là khi mình có thể học cách vượt qua được sự “cần” bố mẹ đó. Mình đã nghĩ ngày mình trưởng thành là ngày mình không cần tới sự bao bọc, chở che, không cần dựa vào bố mẹ. Suốt những năm miệt mài đèn sách, mình đã luôn cố gắng tách mình khỏi sự chăm lo của bố mẹ, những tưởng, trưởng thành là có đủ năng lực sống tự lập về tài chính và cảm xúc khỏi bố mẹ.
Từ khi tròn 18 tuổi, mình đã không còn cần xin bố mẹ một đồng học phí, không cần bố mẹ cho tiền tiêu hàng tháng, mình cố gắng học cách dần độc lập hơn cả về vật chất lẫn tinh thần, để khi tốt nghiệp đại học là có thể hoàn toàn “trưởng thành”. Vì cái “deadline” đó mà mình từng phá sức điên cuồng. Có thời kì một ngày mình chỉ ngủ ba tiếng, ngày đi học cày GPA để được học bổng, chiều đi làm thêm ở văn phòng, đêm đi dạy gia sư, nhưng nhưng vẫn tổ chức hoạt động sinh viên tằng tằng, họp bàn đến 4 - 5 giờ sáng. Cuối tuần thì không có ngủ nướng, mà tờ mờ sáng đã rời nhà như kẻ trộm để đi làm makeup artist. Có những ngày mình bước về nhà trong trạng thái tê liệt, chẳng nói chẳng rằng, không cười không khóc, chỉ nhanh nhanh bước về phòng để chính mình vỡ tan trong thế giới riêng không ai hay biết. Có lần được giải nhì trong một cuộc thi ý tưởng kinh doanh, mà việc đầu tiên mình làm không phải là ăn mừng, không phải báo tin vui, mà là chui vào phòng vệ sinh để khóc một mình, chỉ vì đã quá mệt mỏi, chỉ vì muốn được nghỉ ngơi.
Trưởng thành thật là khó. Mình từng nghĩ thế. Mình ghét chính mình vô cùng, vì trưởng thành quá chậm.
Thế nhưng có một ngày, mình nhận ra, định nghĩa trưởng thành của mình, làm một người khác khổ đau hơn cả chính mình. Người đó là mẹ.
2.2 Trưởng thành là có đủ năng lực để trở thành chỗ dựa cho những người mình thương yêu
Từ hồi lên năm ba đại học, khi hai mẹ con đi mua sắm, mình không chịu để mẹ mua cho mình cái gì. Song, có một lần, vì mẹ giành trả tiền quá, mình thì lại ngại cãi cự trước mặt người ngoài nên để mẹ trả, rồi về nhà chuyển khoản cho mẹ. Thế là mẹ chất vấn, “Tại sao con chuyển khoản cho mẹ?”. Mình, lúc đó đang loay hoay dọn đồ trong tủ, trả lời không mấy để tâm, “Con tự trả được mà, mẹ đừng có chuyển khoản lại cho con”.
Lúc đó, mẹ, sau một khoảng lặng trước sự thờ ơ của mình, hỏi “Con không cần mẹ nữa à?”. Trong tiếng nói tựa vỡ ra của mẹ, mình ngỡ ngàng thấy lần đầu tiên mẹ rơi nước mắt.
Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, ấn tượng của mình về mẹ luôn là: Đây là một người phụ nữ nhỏ bé, nhưng vô cùng kiên cường, sắt đá.
Mẹ chỉ cao một mét rưỡi, thấp hơn mình bây giờ hơn chục phân, thấp hơn em trai mình hơn hai chục phân. Nhưng hồi 2007, bụng bầu em trai mình, mẹ vẫn còn làm trong phòng thí nghiệm (vừa bận rộn vừa hại cho sức khỏe), chiều vừa tan tầm là lao đi đón mình tan học, về nhà nấu nướng dọn dẹp, sắp xếp tất thảy việc nhà, rồi tối thì đến trường học Thạc sĩ hệ tại chức. Về sau, trong suốt thời gian lo cho mình và em trai thi lên cấp, mẹ mình vừa phụ trách đơn vị cấp 2 ở cơ quan, vừa làm nghiên cứu sinh và tốt nghiệp Tiến sỹ.
Mẹ luôn có tiêu chuẩn rất cao đối với mọi việc trong cuộc sống và chưa bao giờ rơi nước mắt. Mình từng nghĩ sinh ra một đứa con nhạy cảm, mau nước mắt như mình có lẽ là thất bại lớn nhất trong cuộc đời vô cùng lý trí của mẹ.
Mình đã luôn nghĩ rằng mình là một gánh nặng, và mình phải trưởng thành, để thôi dựa dẫm, thôi làm mẹ phải lo lắng, phiền lòng. Mình đã luôn nghĩ, vì là con cái, nên mình cần cha mẹ. Và mình phải học cách trưởng thành, để thôi “cần” cha mẹ.
Nhưng khoảnh khắc mẹ rơi nước mắt, mình mới nhận ra một điều rằng,
Bố mẹ cũng cần mình.
Bố mẹ cũng cần được thể hiện tình thương yêu bằng cách chu cấp cho mình những thứ bố mẹ muốn mình có, dù cho mình có thể tự có được, dù cho mình không cần.
Lúc đó, mình mới hiểu được rằng, thực ra, mình đã tự lo được cho bản thân mình từ lâu rồi, mình đã không còn phải dựa dẫm vào bố mẹ nữa. Thế nhưng, nếu vì chứng tỏ bản thân mà mình tước đi quyền quan tâm, chăm sóc mình của mẹ, mẹ sẽ buồn khổ vô cùng. Bởi dường như trong khoảnh khắc đó, mình vô tình tước đi của mẹ quyền hiện diện trong cuộc đời của mình, hiện diện trong những buồn vui, sướng khổ và trong những chuyến phiêu lưu của mình ra thế giới.
Rồi "Thế Giới" sẽ khôn lớn
"Thế Giới" có nhiều hơn ngổn ngang những suy tư của người lớn
"Thế Giới" khóc nhiều hơn để học cách yêu thương chính mình hơn
Rồi từ đó yêu thương những điều xung quanh hơn-Trích từ bài hát Một “thế giới” = hai gang tay-
Mình nhận ra rằng, định nghĩa của trưởng thành không chỉ dừng lại ở trở nên độc lập, không cần dựa dẫm vào một ai khác. Trưởng thành là khi mình có thể trở thành chỗ dựa cho bố mẹ, bằng cách khiến bố mẹ cảm thấy an toàn rằng, dù bước ra thế giới bao la, khi trở về nhà, con vẫn là con của bố mẹ.
Có đôi khi, trở thành chỗ dựa là khi con đã lớn nhưng vẫn sẽ nhõng nhẽo bám theo mẹ ra chợ, vào bếp, xuống vườn. Nhưng thực ra con bám theo mẹ là để lấy đi xách đồ trên tay mẹ nặng trĩu, để khi có món đồ nào ở quá cao, con có thể đứng đằng sau với xuống cho mẹ, để những lúc chán chường, con có thể tám nhảm, chọc mẹ cười.
Có đôi khi, trở thành chỗ dựa là khi con cho bố mẹ biết con cần bố mẹ đến mức nào, cần bố mẹ khỏe mạnh, cần bố mẹ vui sống cho riêng mình.
Bởi vì trưởng thành không phải khi ta không cần dựa vào một ai, mà là khi ta có thể trở thành nơi những người ta thương yêu nhất có thể dựa vào.
Từ ngày nhận ra bố mẹ cũng cần mình, mình khát khao vô cùng được trở thành chỗ dựa của bố mẹ. Và mỗi ngày, mình đều chạy đua với thời gian để kịp trưởng thành như thế. Để kịp nói những lời thương yêu, để kịp sẻ chia với bố mẹ thế giới mình đang sống, đang được chiêm ngưỡng, ngắm nhìn, để kịp cùng bố mẹ làm nên thật nhiều kỉ niệm.
Bởi nếu một ngày bố mẹ không còn ở bên mình, nếu lúc ấy mình không còn ai để dựa vào, thì ít nhất, mình đã làm một nơi để bố mẹ dựa vào.
2.3 Trưởng thành là trân trọng và tiếp nối những điều tốt đẹp mình đã được nhận trong đời
Và rồi mình cũng học cách bé lại, bởi trưởng thành không phải là không cần một ai, mà là trân trọng mọi những điều tốt đẹp những người thương yêu nhất đã đem đến cho mình và để điều đó chắp cánh cho mình đi xa hơn.
"Thế Giới" có lúc bé xíu như này
Chớp mắt cái "Thế Giới" lớn như này
Từ hai gang tay dần cao to như thế này
"Thế Giới" có thế giới của riêng mình
Đằng sau luôn có bóng dáng của gia đình
Để "Thế Giới" bước đi trong bình minh-Trích từ bài hát Một “thế giới” = hai gang tay-
Càng đi xa, mình càng nhận ra dấu ấn của gia đình hằn sâu trong tâm hồn mình. Suy nghĩ rằng trưởng thành là rũ bỏ hoàn toàn sự ảnh hưởng của gia đình là hoàn toàn phi thực tế và sai lệch. Cha mẹ đã chắt chiu tất thảy để gom vào hình hài nhỏ bé vừa bằng hai gang tay của con khi mới chào đời. Nhưng cũng chính hai gang tay ấp iu con đó đã chắp nên đôi cánh nhỏ để con bay ra với cuộc đời. Dù có bước đi xa ngàn dặm, trong tim con vẫn sẽ có gia đình, và những nét nhân cách của con, vẫn hằn sâu sự dịu dàng nhưng cứng cỏi của mẹ, sự quyết liệt nhưng nhạy cảm của cha.
Trưởng thành là khi con biết ấp iu tất thảy những gì tốt đẹp bố mẹ đã dành cho con, để kế tục và phát huy những điều đó, để đi xa hơn, nhưng cũng để kết nối sâu sắc hơn với tình yêu thương của bố mẹ.
Hành trình trưởng thành, cũng là hành trình hiểu mình, thương mình, để hiểu và thương bố mẹ, để vững tay chèo trước sóng gió cuộc đời, và cũng để vững vòng tay ôm lấy những vất vả, nhọc nhằn của cha mẹ.
Trưởng thành, đến cùng, không phải là không cần dựa dẫm một ai, mà trưởng thành, là khi biết tôn trọng, thấu hiểu những điều tốt đẹp mình được nhận từ những người thương yêu, và đủ khả năng để trở thành chỗ dựa cho những người thương yêu ấy.
Và người thương yêu mình vô điều kiện, thương mình hơn cả chính mình, đối với mình và có lẽ cả với bạn, chỉ có bố mẹ mà thôi.
Vì thế bạn ơi, nếu bạn còn bố mẹ ở bên mình, xin hãy để họ được biết bạn thương họ thế nào. Bởi vì bố mẹ cũng cần mình, nhiều như mình cần bố mẹ.